www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Toàn bộ về ngành thiết kế nội thất

Ngành thiết kế nội thất là gì?

Ngành thiết kế nội thất là bạn đồng hành thân thiết và cũng là trợ thủ đắc lực của ngành kiến trúc. Một công trình kiến trúc dù có quy mô hoành tráng, hình khối độc đáo và kiểu dáng hiện đại mà người thiết kế nội thất không biết sáng tạo nên một không gian tiện dụng, hài hòa về mặt thẩm mỹ bên trong thì cũng sẽ trở thành một công trình tầm thường.

  • Không chỉ trong phạm vi kiến trúc

Bước vào thế kỷ XXI, ngành thiết kế nội thất không chỉ còn bó hẹp trong phạm vi kiến trúc. Mọi không gian có nhu cầu sinh động, đẹp đẽ, thoải mái đều có thể cần đến tài năng của các nhà trang trí nội thất. Đã có nhiều tàu du lịch được thiết kế các phòng ốc với đầy đủ phương tiện vui chơi sinh hoạt phục vụ cho các chuyến đi chơi thư giãn dài ngày trên biển. Ở lĩnh vực này thì kiến trúc sư công trình đành bó tay, nhưng các “khách sạn nổi” đó không thể thiếu được tài năng của các nhà trang trí nội thất nếu muốn tạo một không gian sinh hoạt giải trí thoải mái cho du khách.

Ở lĩnh vực giao thông đường sắt cũng vậy, dần dần các toa tàu hỏa cũ kỹ, bụi bặm, nóng bức sẽ biến mất, thay thế bằng các toa tàu tiện nghi, thoải mái được chăm chút bằng bàn tay của các ngành thiết kế nội thất, phục vụ yêu cầu ngày càng cao và phong phú của con người.

2. Ngành thiết kế nội thất làm gì?

  • Khảo sát hiện trạng

Ngành thiết kế nội thất là phần tiếp nối của kiến trúc công trình. Bởi vậy, việc đo đạc, khảo sát hiện trạng kiến trúc là phần không thể thiếu trong bước khởi động công việc của bạn. Ngay cả đối với công trình mới xây và có bản vẽ thiết kế từ kiến trúc sư công trình, công việc khảo sát đo đạc hiện trạng lại cũng vẫn rất cần thiết, vì có thể đã có một số thay đổi trong quá trình thi công.

  • Nghiên cứu nhu cầu và đặc điểm của đối tượng sử dụng

Một phòng ngủ cho người lớn, từ kích thước trang thiết bị, màu sắc cho đến phong cách… phải khác phòng ngủ trẻ em. Không gian nội thất để cho một em trai hiếu động, cũng phải khác với một bé gái nhẹ nhàng. Đặc biệt, khi bạn thiết kế nội thất cho một nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm v.v…, đối tượng mà bạn cần nghiên cứu không chỉ là người đặt hàng bạn mà còn là những khách hàng trong tương lai của nơi đó – những người mà bạn không thể gặp gỡ hay trực tiếp hỏi han. Lúc này, hiểu biết về xã hội, tâm lý, óc phán đoán của người thiết kế trở thành yếu tố quan trọng quyết định thành công của ngành thiết kế nội thất. Tất nhiên, chính khách hàng cũng giúp đỡ bạn bằng các tư vấn cho bạn đối tượng khách mà họ muốn hướng tới là ai, có đặc điểm gì, họ muốn phong cách cửa hàng như thế nào v.v… Ngành thiết kế nội thất cần chú ý đến thông tin khách hàng và phải tìm cách có được những thông tin đó.

  • Thiết kế công năng sử dụng

Nội thất không chỉ để nhìn ngắm, mà trước hết phải tiện lợi cho việc sử dụng. Trước khi đi vào giai đoạn tìm ý tưởng hay phong cách thẩm mỹ, nhà thiết kế phải bố trí trang thiết bị công năng (bàn, ghế, giường, tủ …) trên mặt bằng.

Thường thì các kiến trúc sư công trình, trong giai đoạn sơ phác, cũng đã vạch ra một số phương hướng thông qua mặt bằng bố trí bàn ghế. Tuy nhiên, đó chỉ là những gợi ý và nhà thiết kế nội thất vẫn là người chủ đạo trong công việc bố trí trang thiết bị này.

  • Tìm phong cách chủ đạo

Có thể nói phong cách thiết kế là nhân tố chính tác động đến cảm nhận của mọi người khi bước vào không gian nội thất. Đôi khi các nhà thiết kế không cần tìm ý tưởng chủ đề của riêng mình, mà đưa ra các phong cách tiêu biểu như Avant-Garde  hay Scadivania …Đi theo một trong số những khuynh hướng này, bạn đã có sẵn một số gợi ý về mặt chi tiết, màu sắc… Từ đó, dựa vào tư duy sáng tạo của mình, bạn sẽ điều chỉnh, phối kết hợp các yếu tố đó lại để đạt được yêu cầu sử dụng.

  • Thiết kế màu sắc, vật liệu

Ở giai đoạn này, nhà thiết kế dựa vào ý tưởng chủ đạo và phong cách nội thất, từ đó lựa chọn màu sắc chủ đạo, vật liệu hoàn thiện, ốp lát cho các thành phần cố định. Các kiến thức về bố cục tạo hình, về thẩm mỹ, phối màu sẽ phát huy tác dụng ở giai đoạn này.

Ngoài ra nhà thiết kế phải thông hiểu nhiều chủng loại vật liệu hoàn thiện như sơn, verni, vải bọc, gạch ốp… Bạn phải am tường từ tính năng sử dụng cho đến kỹ thuật thi công lắp đặt và cả giá thành, để chọn lựa vật liệu phù hợp với phong cách và có giá tương ứng với “ngân sách” cho phép của công trình.

Các công ty thiết kế nội thất thường tổ chức một thư viện vật liệu, được tập hợp và cập nhật thường xuyên từ các nhà cung cấp khiến mảng việc này của nhà thiết kế nội thất có phần dễ dàng hơn.

  • Thiết kế, lựa chọn trang thiết bị

Công việc thiết kế và bố trí bàn, ghế, tủ… không chỉ phục vụ cho công năng sử dụng mà còn là yếu tố quan trọng để tạo ra phong cách kiến trúc. Bạn có thể chọn lựa các mẫu bàn ghế từ catalog có sẵn do các nhà sản xuất cung cấp nếu phù hợp. Tuy nhiên, đối với một thiết kế nội thất cao cấp, khó có thể tìm được đầy đủ các loại bàn ghế trên thị trường vừa “hợp gu” nhau và hài hòa với ý đồ trang trí của bạn.

Vì thế nhà thiết kế nội thất có khi phải kiêm luôn vai trò thiết kế bàn ghế. Các công ty thiết kế nội thất chuyên nghiệp thường có một bộ phận thiết kế bàn ghế, kết hợp với các xưởng sản xuất để đưa vào công trình các sản phẩm thống nhất về phong cách thẩm mỹ và ý đồ thiết kế.

  • Các yếu tố trang trí

Tranh ảnh và hoa là những yếu tố được sử dụng nhiều nhất để tăng giá trị thẩm mỹ cho không gian nội thất.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, mọi thứ mà bạn gặp chung quanh mình đều có thể là một yếu tố trang trí, tô điểm thêm nét duyên dáng cho thiết kế của bạn. Điều quan trọng là nhà thiết kế phải sử dụng khả năng sáng tạo và kiến thức thẩm mỹ của mình, tìm đúng vị trí, kết hợp hài hòa với các thành phần khác, tận dụng các thủ pháp ánh sáng để có thể biến những vật thể tưởng như tầm thường thành nét chấm phá thú vị.

Ngay cả trong khi trang trí, bạn vẫn luôn phải lưu ý rằng mục tiêu chính của không gian nội thất vẫn là công năng sử dụng. Có những khi nhà thiết kế tham lam đưa vào quá nhiều chi tiết trang trí, cuối cùng biến không gian nội thất thành một phòng triển lãm rườm rà, làm mất đi sự thoải mái, thuận tiện cho người sử dụng.

  • Thiết kế ánh sáng

Đây là lúc chọn lựa các chủng loại đèn cho công trình và cũng là lúc thể hiện rõ nét thẩm cảm tinh tế của nhà thiết kế. Bạn không chỉ chọn kiểu dáng mà còn cân nhắc đến tính năng kỹ thuật như độ sáng, độ tập trung của góc chiếu… đồng thời quyết định vị trí đặt các nguồn sáng.

Với ba loại nguồn sáng: tự nhiên, nhân tạo và trang trí, nhà thiết kế sẽ phối kết thành nhiều tổ hợp ánh sáng khác nhau để thích hợp với nhiều thời điểm sử dụng trong ngày và nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau của người sử dụng.

Thiết kế ánh sáng là một kỹ thuật rất tinh tế và nhạy cảm vì ánh sáng sẽ tác động đến màu sắc và bề mặt vật liệu. Cùng một không gian nội thất, khi thay đổi cách chiếu sáng sẽ tạo nên những “không khí” khác hẳn nhau.

Một căn phòng thiết kế thành công sẽ có nhiều biến hóa về ánh sáng: chan hòa ánh sáng tự nhiên và buổi sáng, rực rỡ và sang trọng khi cần tổ chức tiếp khách, lung linh và nhẹ nhàng khi chủ nhân muốn nghe nhạc thư giãn…

  • Giám sát thi công

Cũng như kiến trúc sư thiết kế công trình, người thiết kế nội thất cũng phải theo dõi quá trình thi công một cách thường xuyên.

Giới kiến trúc sư công trình thường nói đùa “dân thiết kế nội thất ngồi mát ăn bát vàng”, vì quá trình giám sát thi công luôn diễn ra khi công trình đã hoàn thành cơ bản, ở trong không gian được che chắn, không phải dầm mưa giãi nắng, lội bùn sình như giám sát công trình xây dựng ở giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, việc giám sát nội thất cũng không đơn giản. Bạn phải chọn lựa, kiểm tra hàng trăm loại vật liệu hoàn thiện để đảm bảo chúng đạt tiêu chuẩn thiết kế và phối hợp hài hòa với nhau. Bạn cũng cần phải giám sát kỹ thuật thi công để đảm bảo các chi tiết trang trí được thực hiện đúng với ý đồ thiết kế của mình.

Ngành trang trí nội thất làm việc ở đâu?

Do nhu cầu xã hội phát triển, ngày càng nhiều các công ty thiết kế nội thất ra đời, và nhu cầu tuyển dụng nhà thiết kế nội thất rất cao. Một số công ty hay văn phòng kiến trúc công trình cũng có bộ phận thiết kế nội thất.

Ngoài ra, bạn cũng có thể hoạt động như một nhà thiết kế độc lập. Tại Mỹ, cứ mười nhà thiết kế nội thất thì có ba người làm việc độc lập.

Tuy nhiên, trong giai đoạn khởi đầu nghề nghiệp, làm việc trong các công ty thiết kế chuyên nghiệp sẽ có một số thuận lợi cơ bản cho bạn. Bạn sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với những công trình quy mô lớn, vì chủ nhân của các công trình quan trọng ít khi dám giao việc cho các nhà thiết kế đơn lẻ.

Ở các công ty chuyên nghiệp, bạn còn có sự hỗ trợ của các cộng sự, học tập được kinh nghiệm từ những người đi trước và các họa viên sẽ giúp bạn thể hiện ý tưởng của mình nhanh hơn. Ngoài ra các hệ thống thư viện tài liệu, trang thiết bị… của các công ty thiết kế cũng tạo thuận lợi cho bạn trong việc tiếp cận và ứng dụng vật liệu và kỹ thuật mới.