Bài viết hiểu mình
Nếu không hiểu gì về bản thân mình, bạn khó có thể thành công!
Đã bao giờ giữa dòng đời, bạn chợt dừng lại và tự hỏi: “Tại sao mình thấy mệt mỏi đến vậy?”. “Tại sao những việc này luôn lặp lại với mình”? Bạn cảm thấy bế tắc, thấy cuộc sống giống như một vòng tuần hoàn không lối thoát, và bạn chẳng thể làm gì ngoài việc bị động giơ đầu ra hứng chịu. Ấy là vì, bạn không hiểu được bản thân mình.
Thales, nhà triết học vĩ đại của Hy Lạp cổ từng được đặt câu hỏi: “Khó khăn là gì?”. Đây là câu trả lời của ông: “Là tự thấu hiểu bản thân mình!”.
Thế nào là thấu hiểu bản thân?
Đó là khả năng nghĩ về bản thân – điểm mạnh và điểm yếu – và các mối quan hệ xung quanh bạn. Nó rất quan trọng, vì khi mọi vật có cùng một xuất phát điểm, thì chúng ta chịu ảnh hưởng bởi những vấn đề do hành vi gây ra. Mà hành vi phản chiếu những gì ta nghĩ. Có điều, rất ít người chịu dừng bước và tự vấn về những gì họ nghĩ, cách họ nghĩ và vì sao họ phải nghĩ về những điều như vậy.
Hiện nay, các công ty đều sử dụng những bài trắc nghiệm tính cách là một phần của quá trình tuyển dụng, nhằm xác định ứng viên có phù hợp với môi trường hay không. Những bài trắc nghiệm này không đơn giản, mà được rất nhiều nghiên cứu về tâm lý học tổng hợp lại, nhằm tìm ra điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách của từng ứng viên.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần của câu chuyện. Điểm mạnh và điểm yếu không quan trọng bằng tư duy của bạn. Tư duy thay đổi, bạn mới thấu hiểu được bản thân.
Thay đổi từ tư duy
Thales đã nói, thấu hiểu bản thân không phải là một nhiệm vụ đơn giản, vì chúng ta luôn chối bỏ chính bản thân mình. Khả năng thấu hiểu nội tâm không đến một cách tự nhiên như những gì chúng ta vẫn làm với thế giới quan bên ngoài. Nhưng chúng ta có thể học được nó.
Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta có xu hướng tự dối lòng, tự che lấp đi sự thật.
Nói cách khác, chúng ta chẳng thể tin vào chính mình, vì bản chất tư duy của chúng ta không muốn nhìn vào sự thật trần trụi, nhất là khi nó mang tính tiêu cực. Ta thường chôn chặt chúng trong lòng, lảng tránh chúng trong vô thức.
Tự dối lòng và thói quen “đổ lỗi” chính là 2 nguyên nhân lớn nhất dẫn việc ta không thể thấu hiểu ta. Bộ đôi này như một thế lực ngầm, khiến cho bản chất thật của chúng ta bị chôn giấu. Vì xét cho cùng, khi thấu hiểu được bản thân, bạn có thể chẳng thích cái người mà bạn vừa thấu hiểu nữa.
Sự thật thường mất lòng – thế nên đa số không muốn đối mặt với nó. Với một sự thật trần trụi, chúng ta thường chối bỏ, hoặc tìm lấy một lý do để đổ lỗi hòng giảm bớt đi cảm giác “sai trái” đó.
Giáo sư kinh tế Richard S. Tedlow từng nói: “Cảm giác tạo ra một thông điệp sai sự thật để chống chế cho một sự thật trần trụi thực sự rất mãnh liệt”.
Nhưng bằng cách nào để từ bỏ thói quen này. Có điều nói thì dễ, để làm được lại cần đến một phẩm chất mà không phải ai cũng có: sự khiêm tốn.
Sự khiêm tốn ở đây sẽ giống như một bước đệm, một chất bôi trơn xóa nhòa khoảng cách từ thứ ta muốn nhìn thấy đến sự thật trần trụi. Nó sẽ giúp ta chấp nhận sự thật rằng bản thân có thể không như những gì mình vẫn nghĩ, và chấp nhận học hỏi để thay đổi.
Nhưng thứ gì cũng phải có hai mặt. Việc làm quá mọi lỗi lầm và điểm yếu của bản thân mặt khác lại khiến bạn tự co mình lại, ngăn chính bản thân mình phát triển, để rồi vòng xoay lặp lại: bạn sẽ tiếp tục chối bỏ và đổ lỗi.
Thấu hiểu bản thân cũng có nghĩa bạn cần nhận ra đâu là điểm mạnh của mình, nhận ra cơ hội từ những lần vấp ngã. Đó sẽ là niềm động lực để bạn không lặp lại những sai lầm, đồng thời phát triển những điểm mạnh vốn có của bản thân.
… đến hành động
Sẽ chẳng có gì thay đổi cho đến khi bạn phải tự thay đổi. Nghe dễ thế thôi, nhưng đây là một sự thật khó chấp nhận với đa số, vì rõ ràng sẽ dễ dàng hơn nếu như chỉ đợi và hy vọng người khác thay đổi.
Tốt thôi, nếu thực sự họ có thay đổi! Tuy nhiên, cách tiếp cận này chẳng giúp bạn thoát khỏi nỗi mệt mỏi kiệt quệ ngày qua ngày, vì bạn làm sao thay đổi được người khác? Thứ duy nhất bạn có thể thay đổi, đấy là bản thân mình.
Khi ta thấy mọi chuyện không đúng ý, ta sẽ đứng trước 2 lựa chọn: hoặc chấp nhận sai để tìm hướng giải quyết mới, hoặc ngồi im và đợi người khác sửa hộ mình. Nhưng nghiên cứu của giáo sư Howard Gardner – chuyên gia trong ngành giáo dục – có một câu như thế này: “Ai cũng thất bại, kể cả những cá nhân kiệt xuất. Nhưng thay vì bỏ cuộc, họ chấp nhận học hỏi và trở thành kẻ chiến thắng ngay khi có cơ hội”.
Vậy là bạn hiểu mình nên làm gì đúng không? Thất bại chỉ là một cơ hội để bạn nhìn nhận lại bản thân, để rồi trở lại mạnh mẽ hơn.
Thấu hiểu bản thân mặt khác còn giúp chúng ta thấu hiểu những người xung quanh. Bạn sẽ nắm rất rõ cách người ta nhìn vào điểm mạnh và điểm yếu của bạn, cũng như cho phép bạn có những đánh giá rõ ràng hơn về điểm tương tự của họ.
Tức là, ta cần thấu hiểu bản thân, để rồi có thể nhìn thế giới một cách rõ ràng với một tâm thế và niềm đam mê hoàn toàn khác biệt.
Nguồn: Vision