Hiểu thế nào về Ngành thiết kế nội thất ?
Bạn có nhận thấy: Trong
một ngôi nhà, từ những việc nhỏ như lựa chọn màu sơn mới, sự thay đổi sự bố trí
bàn, ghế, thêm một bức tranh hay thay bức tường bằng một chiếc tủ sách…đến
những lựa chọn lớn như lựa chọn phong cách thiết kế tối giản, cổ điển, Bắc Âu,
Rustic, Maverick….Tất cả đều có thể làm
thay đổi hoàn toàn về thẩm mỹ, cảm nhận của người dùng và công năng của ngôi
nhà. Nó có thể đem lại cảm giác ấm cúng, thoáng mát, thư giãn, năng động hay
ngược lại là bức bối, khó chịu cho người sử dụng. Để giúp chủ nhà (chủ đầu tư)
đưa ra những lựa chọn hợp lý nhất về bố trí không gian, đồ đạc như trên chính
là công việc của nhà thiết kế nội thất.
Vậy
cụ thể ngành thiết kế nội thất là gì? Có khác biệt gì với trang trí nội
thất?Học gì? Triển vọng ra sao? Ra trường sẽ làm việc ở đâu? Các yêu cầu để
thành công trong ngành thiết kế nội thất?
1. Ngành thiết kế nội thất là gì
Ngành
học thiết kế nội thất là ngành học về sáng tạo, sắp xếp không gian bên trong
công trình đảm bảo tính thẩm mỹ và công năng sử dụng. Nhà thiết kế nội thất sẽ
quyết định các yếu tố: màu sắc, hệ thống ánh sáng, vật liệu, đồ nội thất, kích
cỡ và vị trí sắp xếp để làm cho các không gian trong nhà trở nên tiện
dụng, an toàn và đẹp mắt. Nếu kiến trúc sư tạo ra hình khối của một công trình
thì Nhà thiết kế nội thất là người hoàn thiện và tô điểm cho không gian
đó.
Ngành
thiết kế nội thất ứng dụng kết hợp kiến thức về kỹ thuật, mỹ thuật và sáng tạo.
Tuỳ theo trường đào tạo, tên ngành có thể là Thiết kế nội thất hoặc Kiến trúc
nội thất
Sự
khác biệt giữa Trang trí nội thất (Interior Decoration) và Thiết kế nội thất
(Interior Design)
- Trang
trí nội thất tập trung vào làm đẹp bề mặt của không gian như sơn tường,
trần hay sàn nhà hoặc chuyên về trang trí phần đồ đạc như ghế, hoa, thảm,
hoa, gối, đèn…và không liên quan đến vấn đề kỹ thuật.
- Thiết
kế nội thất cần thiết kế một không gian hoàn chỉnh bao gồm các nội thất cơ
bản (tường, sàn, trần…); ánh sáng và thiết bị điện; hệ thống đồ đạc (tủ,
bàn, ghế, rèm, thảm…).
Để
dễ hiểu chúng ta có thể ví dụ như khi chọn hệ thống ánh sáng cho ngôi nhà, nhà
thiết kế nội thất tính toán đến việc chọn ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo, bố
trí hệ thống đèn tiện nghi, tiết kiệm, đẹp mắt; phối hợp với hệ thống màu
tường, rèm, cửa sổ ra sao để đảm bảo đủ ánh sáng, tiết kiệm và đẹp mắt. Trong
khi đó, nhà trang trí nội thất chỉ cần chọn các loại đèn và bố trí sao cho đẹp
mắt, hợp lý…
Có
thể nói, trang trí nội thất là một nhánh của thiết kế nội thất.
2.Triển vọng của ngành thiết kế nội
thất
Theo thông tin từ Bộ Xây
dựng, tỷ lệ dân số đô thị hiện vào khoảng 40% và sẽ tăng lên 45% vào năm 2030,
do đó đòi hỏi mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu mét vuông nhà ở đô thị.
Nhu cầu mới về nhà ở sẽ tiếp tục tập trung ở một vài thành phố lớn và các khu
công nghiệp. Đi kèm
theo đó là nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao, do vậy ngành thiết kế nội thất có
triển vọng phát triển rất lớn.
Đồng thời với sự phát
triển của thị trường nhà ở là sự phát
triển của các công trình công cộng, kinh doanh như các trung tâm hội nghị,
khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, khu triển
lãm, các toà nhà văn phòng….Điều này đã giúp cho thiết kế nội thất là ngành
nghề “đắt hàng nhưng thiếu người”, đây là một ngành thực sự đang rất “khát”
nhân tài.
3. Học ngành thiết kế nội thất ra làm gì
Các
nhà thiết kế nội thất thường làm những việc sau:
- Tìm kiếm và
đấu thầu các dự án mới về nội thất.
- Xác định
các mục tiêu và yêu cầu của khách hàng đối với dự án.
- Xem xét
cách không gian sẽ được sử dụng và cách mọi người sẽ di chuyển, làm việc
hay sinh hoạt trong không gian.
- Phác thảo
kế hoạch thiết kế sơ bộ, bao gồm bố trí điện và phân vùng, phân phòng.
- Chỉ định
vật liệu và đồ nội thất sử dụng, chẳng hạn như ánh sáng, đồ nội thất, hoàn
thiện tường, sàn và đồ đạc trong hệ thống ống nước.
- Tạo một
thời gian biểu hoàn thành và ước tính chi phí dự án về nội thất
- Trao đổi,
chỉnh sửa, thống nhất phương án với khách hàng.
- Đặt hàng
vật liệu và giám sát việc lắp đặt.
- Giám sát
tiến độ, chất lượng thi công.
- Ghé thăm
địa điểm sau khi dự án hoàn thành và các công việc chăm sóc khách hàng
khác, để đảm bảo rằng khách hàng hài lòng.
Trong
quá trình thực hiện các công việc trên, nhà thiết kế nội thất phải thường xuyên
trao đổi thông tin, làm việc chặt chẽ với các bên như: chủ đầu tư, tổng thầu
xây dựng, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, đội ngũ công nhân xây dựng, kỹ sư cơ
khí…
Một
số nhà thiết kế nội thất sẽ chọn lựa một số loại công trình cụ thể để chuyên
sâu như chuyên về thiết kế nội thất cho bệnh viện, khách sạn, hay chuyên về
phòng tắm hay phòng bếp; một số nhà thiết kế nội thất lại chuyên về một phong
cách như Rustic hay Scandinavian; một số nhà thiết kế nội thất lại chuyên về
thiết kế ánh sáng hay chuyên về bàn, ghế.
Các vị trí và nơi làm
việc
- Chuyên viên
thiết kế tại các công ty thiết kế nội thất, xây dựng, công ty bất
động sản hoặc một dự án cụ thể, các công ty kinh doanh vật liệu nội thất:
gạch, sơn..., các công ty kinh doanh đồ đạc: giường, tủ, đèn… Trong chuyên
viên thiết kế lại có thể chia ra các vị trí:
- Chuyên
viên thiết kế, tư vấn nội thất công trình dân dụng: nhà ở, chung cư, biệt
thự, các công trình công cộng
- Chuyên
viên thiết kế, tư vấn các công trình thương mại: khách sạn, nhà hàng, quán
bar, câu lạc bộ, trung tâm fitness, khu vui chơi, quán cafe, khu triển
lãm…
- Chuyên
viên trang trí nội thất: Đây là một phần nhỏ thuộc khả năng của nhà thiết
kế nội thất, công việc này thiên về yếu tố mỹ thuật hơn và cũng đang rất
phát triển, không đòi hỏi nhiều tính kỹ thuật.
- Chuyên
viên thiết kế 2D, 3D: Người thể hiện các ý tưởng thiết kế ra bản vẽ - một
bộ phận quan trọng trong các phòng thiết kế. Am hiểu các phần mềm như
AutoCAD, 3Dmax, Vray, Photoshop, SketchUp…
- Chuyên viên
giám sát thi công về phần nội thất cho các công trình.
- Làm nhà
thiết kế nội thất tự do (freelancer) cho các công trình, khách hàng.
- Tự khởi
nghiệp về thiết kế nội thất hoặc các lĩnh vực liên quan.
4. Mức thu nhập ngành thiết kế nội
thất
Tại
thời điểm tháng 6/2022, theo trang jobsgo.vn, mức thu nhập của chuyên viên
ngành thiết kế nội thất có kinh nghiệm từ 1-4 năm làm việc là từ 8-14
triệu/tháng.
Tuy
vậy, khó có một mức thu nhập nhất định cho chuyên viên thiết kế nội thất vì:
- Ngành thiết
kế nội thất có thu nhập từ nhiều nguồn như: lương cơ bản (như thống kê của
Jobsgo); lương theo dự án; tiền hoa hồng hợp pháp; tiền chia lợi nhuận từ
dự án.
- Phụ thuộc
vào quy mô của công ty hoặc dự án bạn làm việc sẽ có khối lượng và yêu cầu
trình độ khác nhau, từ đó có mức thu nhập khác nhau.
- Với những
chuyên viên nội thất có tay nghề cao, đã khẳng định được tên tuổi, phong
cách, mức thu nhập là không giới hạn.
5. Yêu cầu để thành công trong ngành
thiết kế nội thất
Như
đã đề cập ở trên, thiết kế nội thất là sự kết hợp kiến thức về kỹ thuật, mỹ
thuật và sáng tạo cũng như phải làm việc với nhiều bên. Nhà thiết kế nội thất
hướng đến quy hoạch, thiết kế chức năng và sử dụng hiệu quả không gian. Chính
những yếu tố này đòi hỏi người theo đuổi ngành thiết kế nội thất phải có năng
khiếu thẩm mĩ, đáp ứng khả năng phối màu sắc, bày trí theo không gian, thiết kế
các vật liệu nhằm đảm bảo sự hài hòa với kiến trúc tổng thể. Mặt khác, sáng
tạo, khả năng quan sát, tìm tòi, học hỏi cũng là yếu tố đòi hỏi nhà thiết kế
nội thất phải có. Để từ đó, kết hợp vận dụng kiến thức kỹ thuật đã học, nhà
thiết kế nội thất mang lại những mẫu thiết kế sáng tạo, hiện đại, phù hợp nhu
cầu khác hàng trong xu thế thị trường ngày càng phát triển Tóm lại, để thành
công trong ngành thiết kế nội thất yêu cầu nhân lực phải có các kiến thức, kỹ
năng:
- Có kiến
thức về màu sắc, óc thẩm mỹ.
- Kiến thức
về bố trí không gian
- Kiến thức
về các xu hướng nội thất
- Sáng tạo
- Kỹ năng
giao tiếp
- Kỹ năng lập
ngân sách
- Kỹ năng
quản lý thời gian
- Thành thạo
các phần mềm thiết kế liên quan.
- Hiểu biết
về công nghệ VR (thực tế ảo) và AR (thực tế tăng cường) sẽ là lợi thế
trong thời đại công nghiệp 4.0.
Các
kiến thức, kỹ năng trên chúng ta có thể học hỏi và trau dồi trong quá trình học
và làm việc nên nếu bạn yêu thích công việc giúp người khác có không gian sống,
làm việc hay thư giãn tối ưu nhất và bạn là người có óc thẩm mỹ thì ngành thiết
kế nội thất là một lựa chọn đáng cân nhắc.
6. Ngành thiết kế nội thất học những
gì
Những
môn học tiêu biểu: Hình học hoạ hình, Kiến trúc cơ sở, Kiến trúc Việt
Nam, Kiến trúc tâm linh, Kiến trúc cảnh quan, Lịch sử Mỹ thuật phương Tây,
Nguyên lý thị giác, Truyền thông thị giác, Phương pháp hình thành và phát triển
ý tưởng, Các phương pháp thiết kế, Thiết kế Triển lãm và Bán lẻ, Chất liệu
trong Thiết kế Nội thất, Thiết kế sản phẩm, Thiết kế đồ đạc nội thất, Cấu tạo
Kiến trúc, Bố cục, Tạo dáng đồ chơi, Kỹ năng mô hình, Tin học chuyên ngành:
AutoCAD, SKETCH-UP, 3DMax nâng cao, SKETCH-UP nâng cao, Vật liệu và Kỹ thuật
hoàn thành nội thất, Các đồ án về kiến trúc và thiết kế nội thất.