Tìm hiểu về nghề kỹ sư điện tử viễn thông
Trong nhóm ngành kỹ sư, có một nghề với cái tên “trúc trắc” tưởng như lạ lẫm, nhưng lại là người hỗ trợ cho thiết bị thiết yếu nhất trong cuộc sống của ta hiện nay. Đó là nghề kỹ sư điện tử viễn thông.
1. Nghề kỹ sư điện tử viễn thông làm gì?
Nghềkỹ sư điện tử viễn thông là nghề điều khiển, sử dụng các công nghệ và thiết bị tiên tiến từ các thiết bị vệ tinh trên bầu khí quyển, cột anten truyền tín hiệu cao ngất trời, đường cáp ngầm xuyên đại dương cho tới chiếc máy thu hình, điện thoại cố định, di động… để phục vụ mục đích truy suất thông tin cho các tổ chức và cá nhân.
Các lĩnh vực của ngành Điện tử viễn thông:
- Lĩnh vực mạng viễn thông:
Ngòai việc cần nắm rõ hoạt động của các thiết bị định tuyến, chuyển mạch tổng đài, nối liền sợi dây liên lạc chính xác giữa hàng tỷ người trên toàn cầu, kỹ sư điện tử viễn thông còn phụ trách thiết kế, kiểm tra, bảo trì các hệ thống mạng, từ hệ thống mạng LAN trong gia đình, văn phòng tới hệ thống mạng trục tinh vi sao cho hệ thống này đơn giản, khoa học và không bị virus tấn công.
- Lĩnh vực định vị dẫn đường:
Đối với ngành hàng không, người làm nghềkỹ sư điện tử viễn thông làm việc trong các trạm kiểm soát không lưu đặt ở khắp nơi trên mặt đất. Thông qua hệ thống rađa như những con mắt vô hình luôn dõi theo các chuyến bay, chuyên viên trạm kiểm soát đưa ra những điều khiển, hướng dẫn chính xác, đảm bảo các chuyến bay cất cánh, hạ cánh an toàn, đúng tầm cao.
- Nghiên cứu, sáng tạo các thiết bị điện tử viễn thông mới:
Để đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng của xã hội ngày càng tăng cao, các Kỹ sư điện tử viễn thông luôn cần phải tìm tòi, nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, ứng dụng mới hữu ích và đơn giản hơn cho mọi người. Việc phát triển lĩnh vực này sẽ giúp cho tòan ngành phát triển, đem lại những sáng tạo mới, những phương thức liên lạc mới cho xã hội.
2.Nghề Kỹ sư điện tử viễn thông làm việc ở đâu?
Kỹ sư điện tử viễn thông làm việc tại các công ty sản xuất, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện tử, các nhà cung cấp dịch vụ Internet như FPT, CMC, các công ty viễn thông truyền số liệu như VDC, các công ty điện thoại di động, các công ty truyền tin qua hệ thống vệ tinh, các công ty tư vấn giải pháp và kinh doanh các dịch vụ Điện tử Viễn thông như Viettel, Mobifone, Vinaphone, ….
Ở Việt Nam, ngành Điện tử viễn thông nói chung và nghề kỹ sư điện tử viễn thông nói riêng đóng vai trò quan trọng và tích cực trong toàn bộ sự phát triển kinh tế xã hội nên nhu cầu về nhân lực trong ngành rất lớn.